Khu công nghiệp giữ vai trò khá quan trọng trong nền kinh tế của nước ta hiện nay. Tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên và cơ cấu dân số mà mỗi tỉnh thành sẽ có số lượng khu công nghiệp khác nhau. Vậy đâu là tỉnh có nhiều khu công nghiệp nhất Việt Nam?
Theo Báo cáo tình hình thành lập và phát triển Khu công nghiệp (KCN), Khu kinh tế (KKT) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước hiện có 291 KCN đã đi vào hoạt động.
Trong đó, 5 tỉnh, thành có nhiều KCN đang hoạt động nhất gồm có: Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Long An và Bắc Ninh. Đồng Nai hiện là tỉnh có số KCN đang hoạt động nhiều nhất cả nước, với 31 KCN.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai, tính đến năm 2021, tỉnh có 40 KCN. Trong đó, 31 KCN đang hoạt động, 1 KCN đang đầu tư xây dựng hạ tầng, còn lại 8 KCN chưa được thành lập.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, Đồng Nai liền kề TP.HCM, nằm giữa 4 vùng kinh tế trọng điểm và mạng lưới hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn thiện. Theo đó, Đồng Nai nối liền Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên, toàn bộ đồng bằng Sông Cửu Long và là cửa ngõ trọng yếu phía đông của TP.HCM.
Hiện nay, tỉnh Đồng Nai sở hữu hệ thống hạ tầng cơ sở toàn diện, từ mạng lưới giao thông quốc gia đến hệ thống đường kết nối liên tỉnh, liên huyện. Các công trình hạ tầng hiện hữu, những hệ thống giao thông liên kết kinh tế chính của địa phương gồm có: quốc lộ 1A, quốc lộ 20, quốc lộ 51, tuyến đường sắt Bắc Nam, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Cùng với đó, Đồng Nai có vị trí địa lý gần Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, cụm cảng Sài Gòn – Cát Lái.
Về đường sắt, tỉnh Đồng Nai hiện chiếm hơn 5% tổng chiều dài đường sắt Việt Nam, với 8 nhà ga đường sắt để vận tải hàng hóa và con người. Đặc biệt, theo dự kiến, dự án sân bay quốc tế Long Thành với năng suất phục vụ 100 triệu khách/năm, luân chuyển hàng hóa hơn 5 triệu tấn/năm.
Hơn nữa, Đồng Nai là trung tâm giao thông vùng nên giảm được nhiều chi phí vận chuyển hàng hóa ra cảng, các tỉnh, thành khác.
Do đó, theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, những lợi thế trên giúp Đồng Nai trở thành trung tâm logistics, công nghiệp và dịch vụ hàng đầu Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, Đồng Nai là một trong những tỉnh phát triển công nghiệp hàng đầu của cả nước với các KCN được quy hoạch với diện tích trên 12.055 ha.
Trong đó, các KCN đang hoạt động đã xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ và thu hút được trên 84% diện tích đất cho thuê. Trên thực tế, các nhà đầu tư rót vốn vào tỉnh Đồng Nai đầu tư dễ dàng nhận được nhiều thuận lợi trong việc liên kết cung cấp sản phẩm đầu vào và xuất khẩu nhờ lợi thế về logistics và liên kết của các KCN.
Trong nhiều năm nay, Đồng Nai luôn nằm trong số các địa phương thu hút vốn FDI nhiều nhất cả nước. Theo UBND tỉnh Đồng Nai, lợi thế trong thu hút dòng vốn FDI có được nhờ vào việc tỉnh đã đi đầu trong phát triển công nghiệp từ nhiều năm về trước với những khu công nghiệp trọng điểm như Amata, KCN Biên Hòa, KCN Nhơn Trạch.
Từ năm 2015 đến nay, Đồng Nai luôn nằm trong top 5 tỉnh, thành thu hút vốn FDI nhiều nhất cả nước. Tính đến tháng 9/2022, đã có hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Đồng Nai, với lũy kế tổng vốn đầu tư FDI đạt 34,73 tỷ USD.
Nguồn vốn lớn tập trung chủ yếu ở doanh nghiệp Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc và Thái Lan. Nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới đều đến Đồng Nai đặt nhà máy sản xuất như Hyosung, Bosch, Amata, Fujitsu, Chang Shin, CP, Kenda, Maggitt…
Tuy nhiên, điểm hạn chế của tỉnh là nhiều khu công nghiệp đã lấp đầy 100%, diện tích còn lại cho thuê chỉ còn rất nhỏ. Do đó, khi các tập đoàn lớn đến Đồng Nai muốn thuê diện tích 5-10 ha trở lên rất khó tìm được. Vì vậy, tỉnh đã bỏ mất nhiều cơ hội thu hút được những dự án lớn có công nghệ hiện đại và giá trị gia tăng cao.
Tính đến thời điểm hiện tại đất công nghiệp của Đồng Nai còn rất ít, nhưng nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài vào tỉnh tương đối nhiều. Do đó, tỉnh đang gấp rút mở rộng và đầu tư mới các KCN trên địa bàn để có đất công nghiệp cho các công ty thuê làm nhà xưởng sản xuất. Nhiều địa phương trong tỉnh đều muốn có thêm các KCN để thu hút nhà đầu tư trong nước, nước ngoài vào, tạo việc làm cho người dân trên địa bàn để có thu nhập ổn định, không phải đi xa. Bên cạnh đó, công nghiệp phát triển cũng sẽ thúc đẩy những lĩnh vực khác trên địa bàn như: thương mại dịch vụ, du lịch… phát triển theo. Điều này sẽ giúp cho các huyện, thành phố nâng cao thu nhập bình quân đầu người, tăng thu ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, ngành công nghiệp Đồng Nai vẫn còn tồn tại, những hạn chế và nguyên nhân chủ yếu sau: Ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ có giá trị cao gia tăng lớn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, bảo vệ môi trường còn hạn chế. Sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp thiếu nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất; thị trường xuất khẩu giảm sâu, các đơn hàng từ Trung Quốc và một số thị trường truyền thống bị ngưng trệ, một số doanh nghiệp ngừng sản xuất, việc làm thiếu, thất nghiệp tăng lên…/.